Hình ảnh trượt đốt sống thắt lưng

Giới thiệu

Trượt đốt sống ra trước (spondylolisthesis) là sự di lệch ra trước của đốt sống so với đốt sống bên dưới, ngược lại, khi đốt sống phía trên di lệch ra sau so với đốt sống bên dưới được gọi là trượt đốt sống ra sau (retrolisthesis). Thuật ngữ spondylolisthesis được sử dụng lần đầu tiên bởi Killia vào năm 1853; trượt đốt sống có thể là hậu quả khi một cấu trúc của cung thần kinh đốt sống (vertebral neural arch) bị tổn hại. Khi các phim X quang cột sống nghiêng cho thấy tình trạng trượt đốt sống thì cần đánh giá thêm về mức độ và nguyên nhân gây trượt, cũng như nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh liên quan. Bởi vì cả khuyết phần liên mỏm khớp (spondylolysis) và trượt đốt sống (spondylolisthesis) có thể không có triệu chứng, nên người đọc X quang cũng giữ vai trò xác định các nguyên nhân của đau lưng và đau chân bởi chúng có thể phát sinh từ các đoạn cột sống khác nhau. Phân loại trượt đốt sống thắt lưng được Wiltse và cộng sự làm từ năm 1976. Bản phân loại sửa đổi được trình bày trong Bảng 1.

Loại Nguyên nhân
Loạn sản (dysplastic) Loạn sản bẩm sinh các mỏm khớp
Eo Khuyết ở phần liên mỏm khớp
Thoái hóa Thoái hóa các mỏm khớp
Chấn thương Gãy các phần khác của cung thần kinh ngoài phần liên mỏm khớp
Bệnh lý Suy yếu cung thần kinh do các bệnh lý xương
Do thủ thuật Cắt bỏ xương quá mức khi phẫu thuật giảm chèn ép tủy.

 

Đánh giá mức độ trượt đốt sống thắt lưng

Có hai phương pháp đo để đánh giá mức độ trượt đốt sống [3]. Phương pháp thứ nhất của Myerding là chia đường kính trước sau mặt trên thân đốt sống bên dưới thành 4 phần bằng nhau, độ I-IV theo mức độ trượt của đốt sống phía trên (Hình 1a). Phương pháp thứ hai do Taillard mô tả thể hiện mức độ trượt đốt sống phía trên theo phần trăm đường kính trước sau của mặt đốt sống bên dưới (Hình 1b). Trượt hoàn toàn thân đốt sống L5 so với S1 được gọi là spondyloptosis (Hình 1c). Phương pháp thứ hai được nhiều tác giả nghiên cứu ưa dùng bởi vì nó có thể đánh giá chính xác hơn ở lần đầu và khi theo dõi. Hình ảnh trượt và cách đo là rõ ràng, tuy nhiên nên đo và theo dõi tiến triển trượt đốt sống cẩn thận. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sai số của một người đọc kết quả và sai số nhiều người đọc kết quả có thể lên đến 15%. Sai số có thể tăng nếu có một cấu trúc của đốt sống quay. Do đó, chỉ khi mức độ trượt lớn hơn 20% mới có để đánh giá một cách tin cậy [4, 5].

Hình 1. Các phương pháp đánh giá mức độ trượt đốt sống thắt lưng. (a) Phương pháp của Myerding: phim Xq chụp nghiêng chỗ nối thắt lưng-cùng của trượt đốt sống loại 1 cho thấy trượt độ III. (b) Phương pháp của Taillard: phim X quang chụp nghiêng chỗ nối thắt lưng-cùng bộc lộ trượt đốt sống loại 2, mức độ trượt khoảng 15%. (c) Trượt hoàn toàn thân đốt sống (spondyloptosis) L5 ra trước S1. Lưu ý khuyết rộng ở phần liên mỏm khớp (mũi tên).

 

Phân loại trượt đốt sống thắt lưng

Loại 1, trượt đốt sống loạn sản (bẩm sinh)

Loại này có 3 kiểu phụ

Loại 1a. Các mỏm khớp của L5 và S1 bị loạn sản, có hướng nằm ngang hơn so với hướng đứng ngang bình thường, có sự lồi tròn mặt trên của đốt sống S1 và có thể có tật nứt đốt sống ẩn (spina bifida occulta, khuyết xương đường giữa ở cung sau-gai đôi) ở S1 hoặc L5 hoặc cả hai đốt sống này.

Loại 1b. Hướng của các mỏm khớp là đứng dọc và các diện khớp bị dị hình, gây trượt đốt sống xảy ra điển hình ở tuổi trưởng thành.

Loại 1c bao gồm các dị dạng bẩm sinh khác của cột sống thắt lưng gây trượt đốt sống.

Trượt đốt sống loạn sản loại 1a ở trẻ thơ (còn chưa biết đi hay nói) đã được báo cáo [6]. Kiểu trượt này chủ yếu phát hiện ở các bệnh nhân trẻ, điển hình là không có triệu chứng ở giai đoạn trẻ thơ và có triệu chứng đau thắt lưng ở tuổi thanh niên. Nó chiếm 14-21% các trường hợp trượt đốt sống [7]. Trong việc lập cơ sở di truyền của tình trạng bất thường này, các phim chụp X quang của những người quan hệ huyết thống đời thứ nhất của bệnh nhân trượt đốt sống loại loạn sản và loại khuyết eo đã chứng minh rằng có tới 19% các người thân thuộc đó có kiểu trượt đốt sống khác với bệnh nhân [8]. Kết quả này chỉ ra sự chồng chéo trong di truyền của hai loại trượt này. Các đặc điểm X quang của trượt đốt sống loại 1a là kinh điển: trên phim X quang thẳng (hướng trước-sau), đốt sống L5 trượt ra trước và lật nghiêng chiếu hình trục dọc của sống trên phim, tạo nên dấu hiệu “mũ Napoleon” (Hình 2a). Trên phim X quang chụp nghiêng, thường thấy mức độ trượt nhiều. Phần sau thân đốt L5 có hình nêm và mặt trên thân đốt sống S1 bị vê tròn là các dấu hiệu thông thường (Hình 2b). Phần liên mỏm khớp có thể bị kéo dài và còn nguyên vẹn hoặc gãy (Hình 2b). Nứt đốt sống thể ẩn là một dấu hiệu kết hợp tương đối hay gặp. Tình trạng của phần liên mỏm khớp được xác định tốt trên các ảnh CT tái tạo đứng dọc đa bình diện (MPR), nhưng cũng có thể được phát hiện rõ trên MRI khi thoái hóa và giả phình đĩa đệm thắt lưng cùng (Hình 3). Tùy theo mức độ trượt, chèn ép rễ thần kinh L5 có thể hiện rõ trong lỗ liên đốt sống L5/S1 (Hình 3b). Có thể thấy chèn ép nặng bó rễ thần kinh (đuôi ngựa) giữa cung thần kinh của L4 và bờ sau-trên xương cùng (Hình 3a).

Trượt đốt sống loạn sản loại 1b thường thấy ở người trưởng thành. Ở những bệnh nhân này các diện khớp L5/S1 hướng đứng dọc hơn, trượt có thể xảy ra khi vòng xương còn nguyên vẹn, có thể gây tổn hại thần kinh nhiều ngay cả khi trượt chỉ ở mức độ ít. Bản chất rối loạn phát triển của các mặt khớp và hướng quay của chúng, thường không cân xứng giữa hai bên (Hình 4), những đặc điểm này phân biệt với trượt đốt do thoái hóa [9].

Loại 1c gồm gù bẩm sinh, điển hình xảy ra ở chỗ nối ngực-thắt lưng, và các bất thường bẩm sinh khác của cung thần kinh thắt lưng như tật không có các mỏm khớp (Hình 5).

Hình 2. Trượt đốt sống loạn sản loại 1a. (a) Phim X quang trước – sau (thẳng) cho thấy dấu hiệu “mũ Napoleon”. (b) Phim X quang chụp nghiêng cho thấy trượt khoảng 70%, phần sau thân đốt sống L5 hình chêm và mặt trên thân đốt sống S1 bị vê tròn. Lưu ý khuyết phần liên mỏm khớp của L5 (các mũi tên).

Hình 3. Trượt đốt sống loạn sản loại 1a. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc qua đường giữa chứng minh đĩa đệm thắt lưng cùng thoái hóa giả phình gây chèn ép nhiều đám rễ thần kinh đuôi ngựa giữa cung thần kinh của L4 và mặt sau-trên của xương cùng. (b) Ảnh cộng hưởng từ T1W đứng dọc cạnh đường giữa ở mức lỗ gian đốt sống cho thấy rễ ra thần kinh L5 bị chèn ép nặng.

Hình 4. Trượt đốt sống loạn sản loại 1b ở người trưởng thành. (a) Ảnh cộng hưởng từ T1W SE đứng dọc giữa chứng minh trượt đốt sống mức độ I. Các đĩa đệm L4/5 và L5/S1 thoái hóa. (b) Ảnh T1W SE đứng dọc cạnh đường giữa chứng minh giảm sản rõ mỏm khớp trên của S1 và phần liên mỏm khớp của L5 kéo dài ra. (c) Ảnh cộng hưởng từ T1 W SE bộc lộ cung thần kinh L5 loạn sản. Cũng lưu ý hướng không đối xứng của các mỏm khớp (facet tropism).

Hình 5. Trượt đốt sống loạn sản loại 1c. Phim X quang nghiêng chứng minh không có (bẩm sinh) mỏm khớp dưới của L3, trượt đốt sống L3/4 độ I.

 

Loại 2, trượt đốt sống (tiêu) eo

Phần liên mỏm khớp là phần cung thần kinh nối các mỏm khớp trên và dưới (của cùng một đốt sống). Trượt đốt sống khuyết eo xảy ra khi khuyết phần liên mỏm khớp hai bên, có thể do nhiều nguyên nhân [10, 11]. Wiltse, trong miêu tả gốc của mình, chia loại này thành 3 kiểu phụ [1].

Loại 2a, các khuyết phần eo do yếu bẩm sinh của xương hoặc do sức căng cơ học lặp lại hoặc cả hai. Những khuyết này không biểu hiện lúc sinh. Đây là loại nguyên nhân trượt đốt sống thắt lưng phổ biến nhất ở người dưới 50 tuổi. Tỷ lệ mắc loại này ở trẻ 7 tuổi xấp xỉ 5%, tăng thêm 0.8% ở lứa tuổi 17 [12]. Tỷ lệ mắc mới của dân chúng nói chung là 5-6% tăng thành 35% ở các gia đình có một thành viên bị khuyết phần liên mỏm khớp đốt sống hoặc trượt đốt sống [8, 13]. Tỷ lệ nam: nữ là 2:1, xảy ra nhiều nhất ở đoạn L5/S1 và 90% các trường hợp là ở đoạn thắt lưng [12]. Cả khuyết  phần liên mỏm khớp đốt sống và trượt đốt sống có thể không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng ở thắt lưng hoặc đau chân, hoặc cả hai. Chẩn đoán rõ ràng trên các phim X quang chụp nghiêng khu trú chỗ nối thắt lưng-cùng, dấu hiệu điển hình là đốt sống trượt mức độ nhẹ đến vừa, giảm chiều cao khe đĩa đệm, khuyết phần liên mỏm khớp hai bên (Hình 6). CT thường không cần thiết cho mục đích chẩn đoán, mặc dù CT MPR đứng dọc có thể chứng minh chi tiết khuyết phần liên khớp. Chụp lấp lánh không có vai trò chẩn đoán loại trượt đốt sống khuyết eo.

Loại 2b, phần liên khớp kéo dài ra, biểu hiện gãy quá sức thực sự. Chấn thương lặp lại dẫn đến gãy vi thể, khi các chỗ gãy vi thể này hàn gắn, phần liên mỏm khớp kéo dài ra và có thể không còn cản trở sự chuyển động ra trước của các đốt sống. Đây là tình trạng rất hiếm.

Loại 2c, gãy phần liên khớp do chấn thương cấp tính, trong trường hợp này có gãy phức tạp cột sống. Gãy cấp tính chỉ riêng phần liên khớp thì quá hiếm.

Hình 6. Trượt đốt sống khuyết eo loại 2a. Phim X quang cột sống thắt lưng chụp nghiêng cho thấy khuyết phần liên mỏm khớp L4 hai bên (mũi tên) gây trượt đốt sống L4 độ I loại khuyết eo. Đĩa đệm L4/5 bị thoái hóa.

Vai trò của MRI trong chẩn đoán phân biệt

MRI có hai vai trò. Thứ nhất, trong bối cảnh đau thắt lưng nhiều cần phải phẫu thuật nối ở đoạn thắt lưng, MRI có thể đánh giá bệnh lý thoái hoái đĩa đệm lân cận (Hình 7a). Trong tình huống này, chụp đĩa đệm trước mổ có thể được chỉ định để xác định các đĩa đệm thoái hóa vùng này có phải là nguyên nhân gây đau thắt lưng không. Thứ hai, trong bối cảnh bệnh rễ thần kinh thắt lưng, MRI có thể chứng minh một cách tin cậy vị trí và nguyên nhân chèn ép rễ thần kinh. Các nghiên cứu mối tương quan tốt giữa chèn ép rễ thần kinh và các dấu hiệu lâm sàng của bệnh lý rễ thần kinh [14]. Chèn ép rễ thần kinh trong trượt đốt sống tiêu eo điển hình xảy ra ở lỗ tiếp hợp, do sự kết hợp giảm chiều cao lỗ (lỗ có hướng nằm ngang hơn) và phình đĩa đệm vào trong lỗ sẽ ép rễ thần kinh vào mặt dưới của cuống (Hình 7b) [15]. Ít hơn, chèn ép rễ thần kinh có thể do đĩa đệm thoát vị chèn ép (Hình 8). Với trượt đốt sống do tiêu eo, ống sống rộng ra và do đó hẹp ống trung tâm không phải là điểm đặc trưng của loại này. Lớp cắt MRI đứng dọc giữa để đo đường kính trước sau ống trung tâm với độ chính xác cao cho phép phân biệt trượt đốt sống thoái hóa và tiêu eo (Hình 7a và 8a)[16].

Hình 7. Trượt đốt sống khuyết eo loại 2a. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc giữa cho thấy trượt đốt sống L5/1 do khuyết eo kết hợp với thoái hóa đĩa đệm L4/5. (b) Ảnh cộng hưởng từ T1W SE đứng dọc cạnh đường giữa ở vị trí cuống đốt sống cho thấy rễ ra của thần kinh L5 bị chèn ép giữa đĩa đệm L5/S1 phình và mặt dưới của cuống L5. Lưu ý chiều cao lỗ gian đốt sống giảm do lỗ có hướng nằm ngang.

Hình 8. Thoát vị đĩa đệm kết hợp trượt đốt sống khuyết eo. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc chứng minh trượt đốt sống L5 do khuyết eo kết hợp với thoát vị đĩa đệm L5/S1. Lưu ý đường kính trước-sau ống sống tăng lên, đặc điểm này khác với hậu quả của trượt đốt sống do thoái hóa. (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE cắt ngang cho thấy thoát vị đĩa đệm L5/S1 gây chèn ép rễ thần kinh S1 trái.

 

Loại 3, trượt đốt sống do thoái hóa

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của trượt đống sống thắt lưng ở người trên 50 tuổi. Cung thần kinh nguyên vẹn và trượt do biến đổi thoái hóa ở các mỏm khớp kết hợp với thoái hóa đĩa đệm. Những trường hợp trượt này mỏm khớp ở phần thắt lưng thấp có hướng đứng dọc hơn, đây là sự biến đổi bẩm sinh [17]. Do đó các mỏm khớp có xu hướng truyền trọng lượng cơ thể về phía trước hơn là về phía sau. Đĩa đệm gian đốt sống ở mức này bắt đầu biểu hiện thoái hóa sớm. Mức độ trượt thường nhẹ, với mức trượt trung bình 14% đã được báo cáo ở nghiên cứu 200 bệnh nhân [18]. Bởi vì cung thần kinh nguyên vẹn nên ngay cả một tiến triển trượt nhẹ cũng có thể gây chèn ép đám rễ thần kinh. Trượt loại này xảy ra nhiều nhất ở mức L4/5 (nhiều hơn các mức khác 6-9 lần), gặp ở nữ nhiều hơn nam 4 lần, người gốc Phi nhiều hơn người da trắng 3 lần. Tỷ lệ phát sinh tăng 4 lần nếu có cùng hóa L5 [18]. Các biến đổi xương khớp là viêm màng hoạt dịch, thoái hóa sụn, chồi xương, gãy mỏm khớp, các mảnh xương khớp long ra và chùng (lỏng) bao khớp [19]. Các triệu chứng lâm sàng gồm đau thắt lưng và đau chân, do thoái hóa đĩa đệm và mỏm khớp, hẹp rãnh bên và lỗ gian đốt sống gây chèn ép rễ thần kinh. Có sự tương quan chặt chẽ giữa trượt đốt sống thoái hóa với các triệu chứng đau lưng và đau chân [20]. Khi thoái hóa đĩa đệm nặng thêm và trượt tiến triển thêm, các triệu chứng có thể chuyển từ đau thắt lưng thành đau cách hồi nguyên nhân thần kinh do hẹp ống trung tâm [21].

Phim chụp X quang cho thấy thoái hóa xương – khớp mỏm, giảm chiều cao đĩa đệm. Mức độ trượt hiện rõ trên các phim X quang chụp nghiêng. Hiện tượng quay của đốt sống trượt khiến việc đánh giá mức độ trượt có thể khó khăn. Bởi vì cung thần kinh nguyên vẹn, mỏm gai sống dịch chuyển ra trước với thân đốt sống. Kết quả là các gai sống xếp không thẳng hàng có thể phát hiện được trên phim chụp nghiêng và cho phép phân biệt với trượt đốt sống do khuyết eo (Hình 9).

Hình 9. Phim X quang chụp nghiêng cột sống thắt lưng cho thấy trượt thoái hóa L4 trên thân đốt sống L5. Các mỏm gai sau xếp không thẳng hàng, mỏm gai L4 trượt ra trước so với mỏm gai L5, đặc điểm này cho phép phân biệt với trượt đốt sống khuyết eo.

Chụp CT cho thấy các mỏm khớp xếp thẳng hàng và các mức độ thoái hóa của chúng. Hướng đứng dọc hơn bình thường của các diện khớp đã được chứng minh có liên quan với tỷ lệ bệnh nhân phát sinh nhiều hơn các trượt đốt sống do thoái hóa (Hình 10). Trong nghiên cứu của Kim và đồng sự [17], góc diện khớp đứng dọc nhỏ 330 ở các đối tượng bị trượt đốt sống do thoái hóa so với 430 ở nhóm chứng. Trượt không đối xứng các diện khớp dẫn đến hiện tượng quay của đốt sống bị trượt. Chụp MRI đã thay thế phần lớn các chỉ định chụp CT và CT tủy sống trong bệnh lý trượt đốt sống do thoái hóa.

Hình 10. Trượt đốt sống L3 do thoái hóa. (a) Phim chụp nghiêng cản quang tủy chứng minh trượt nhẹ L3 kết hợp với hẹp ống sống. (b) Chụp CT cản quang tủy qua đĩa đệm L3/4 cho thấy thoái hóa nặng mỏm khớp, các diện khớp có hướng đứng dọc.

Thuận lợi chính của MRI là có khả năng thấy rõ hẹp ống sống, hẹp các rãnh bên và lỗ gian đốt sống với sự chèn ép các rễ thần kinh đi ra và đám thần kinh đuôi ngựa (Hình 11a, b). Các biến đổi thoái hóa mỏm khớp biểu hiện bằng các chồi xương và mất lớp sụn. Dây chằng vàng dày lên làm hẹp thêm ống sống và rãnh bên (Hình 11b) [22]. Hẹp ở mặt dưới của rãnh bên do trượt mỏm khớp dưới ra trước. Trường hợp trượt đốt sống thoái hóa L4/5 thì gây chèn ép các rễ thần kinh L5 ở mức cuống đốt sống L5 (Hình 11c). Hậu quả của trượt đốt sống là lỗ gian đốt sống giảm chiều cao, kết hợp với phình đĩa đệm vào lỗ gây hẹp lỗ tiếp hợp. Trong trường hợp trượt đốt sống thoái hóa L4/5 có thể gây chèn ép rễ thần kinh L4.

Trượt đốt sống do thoái hóa có mối liên quan với nang hoạt dịch của mỏm khớp và cũng có thể gây hẹp rãnh bên. MRI cho thấy rõ tổn thương này (Hình 12)[23].

Hình 11. Trượt đốt sống thoái hóa và hẹp ống sống. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc giữa cho thấy trượt đốt sống L4 và hẹp ống sống biểu hiện bằng mất hoàn toàn dịch não-tủy quanh đám rễ thần kinh đuôi ngựa. (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W cắt ngang qua đĩa đệm L4/5 chứng minh hẹp nặng ống sống, các dây chằng vàng rất dày. (c) Ảnh cộng hưởng từ T2W cắt ngang ở mức cuống cho thấy cả hai rễ thần kinh L5 bị chèn ép trong rãnh bên do các mỏm khớp dưới trượt ra trước.

Hình 12. Trượt đốt sống L3 do thoái hóa có nang bao hoạt dịch mỏm khớp. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc ở vị trí mảnh trái cho thấy trượt nhẹ đốt sống L3 và nang nhỏ bao hoạt dịch mỏm khớp. (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W cắt ngang cho thấy nang gây hẹp rãnh bên.

Sự dịch chuyển bất thường đoạn cột sống ở mức đốt sống bị trượt đã được nghiên cứu bằng cả MRI và X quang động học. Wood và cộng sự [24] so sánh mức độ dịch chuyển ớ vị trí đốt sống trượt bằng chụp X quang cột sống gấp/ưỡn ở tư thế đứng hoặc nằm nghiêng. Họ thấy trong 50 trường hợp trượt đốt sống, 31 có dịch chuyển bất thường (được định nghĩa là lớn hơn 8%) khi gấp/ưỡn và trong số này thì 18 trường hợp chỉ phát hiện được ở tư thế nằm nghiêng. Trượt đốt sống thắt lưng giảm tự phát khi chụp MRI tư thế nằm ngửa cũng đã được báo cáo (Hình 13a, b) [25]. Mc Gregor và cộng sự [26] đã nghiên cứu trượt đoạn đốt sống ở các bệnh nhân thoái hóa và tiêu eo bằng máy MRI can thiệp mở. Tuy nhiên, khi so sánh với nhóm chứng bình thường, họ đã không thể chứng minh sự mất vững nào có thể phát hiện được thông qua biểu hiện gấp góc hoặc dịch chuyển bất thường. Chụp MRI bệnh nhân mang tải trọng theo trục (axial loaded MRI) để chứng minh hẹp ống sống ẩn cũ đã được báo cáo [27]; tuy nhiên, vai trò của tải trọng trục đã không được đánh giá chính thức ở các bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng (Hình 13 b, c).

Hình 13. Tính chất động của của trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa. (a) Phim X quang chụp nghiêng chỗ nối thắt lưng – cùng, tư thế đứng chứng minh trượt nhẹ đốt sống L4 do thoái hóa. (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc không thấy đốt sống L4 bị trượt. (c) Ảnh T2W cắt ngang, bệnh nhân có tải trọng, ở máy cộng hưởng từ mở từ lực thấp: trượt L4 biểu hiện rõ, có hẹp ống sống.

Loại 4, trượt đốt sống do chấn thương

Trượt đốt sống do chấn thương hiếm xảy ra và do gãy hoặc trật khớp ở bất cứ phần nào của cung sau, ngoại trừ phần liên khớp, ví dụ cuống hoặc các mấu khớp. Trượt đốt sống loại này luôn là hậu quả của một chấn thương nặng. Trượt có thể diễn ra dần dần qua vài tuần hoặc vài tháng [28]. CT MPR (CT tái tạo đa bình diện) là phương pháp đánh giá tốt chi tiết chỗ gãy (Hình 14a). MRI chứng minh chấn thương mô mềm liên quan, bao gồm rách đĩa đệm và phức hợp dây chằng dọc sau (Hình 14b) [29].

Hình 14. Trượt đốt sống L1 do chấn thương gây trật cả hai mỏm khớp. (a) Ảnh CT MPR (tái tạo đa bình diện) ở mức mỏm khớp phải cho thấy mỏm khớp L1/2 bị trật, gãy cả mặt trên thân đốt sống L1. Lưu ý rằng phần liên mỏm khớp của L1 vẫn nguyên vẹn (mũi tên). (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE xóa mỡ, đứng dọc cho thấy trượt đốt sống L1 do chấn thương có đĩa đệm gian đốt sống L1/2 và rách phức hợp dây chằng dọc sau.

 

Loại 5, trượt đốt sống do bệnh lý

Trượt đốt sống do bệnh lý có thể chia làm hai loại

Loại a xảy ra khi bệnh xương toàn thể làm suy yếu cột sống. Thí dụ gồm có bệnh Paget (Hình 15), loãng xương [30], bệnh tạo xương bất toàn [31], loạn sản sụn, co cứng khớp và bệnh xương hóa đá [32].

Loại b xảy ra khi tiến triển bệnh cục bộ làm yếu phần liên khớp, dẫn đến gãy bệnh lý và trượt đốt sống. Thí dụ gồm có bệnh giang mai [1], lao và u (Hình 16).

Hình 15. Trượt đốt sống bệnh lý do bệnh Paget L5. (a) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc qua đường giữa cho thấy các đặc điểm điển hình của bệnh Paget bất hoạt mãn tính biểu hiện thân đốt sống to lên (kéo dài trước sau), trượt đốt sống độ I. (b) Ảnh cộng hưởng từ T2W FSE đứng dọc qua cuống sống cho thấy phần liên mỏm khớp của L5 kéo dài ra.

Hình 16. Trượt đốt sống L4 bệnh lý do u máu L4 lan tỏa gây gãy phần liên mỏm khớp.

 

Loại 6, trượt đốt sống do thủ thuật

Loại này xảy ra sau giải ép cột sống do hẹp ống sống, cắt lá sống để lấy đĩa đệm, hoặc bất cứ thủ thuật phẫu thuật cột sống khác để giảm chèn ép ống sống (Hình 17). Sau cắt lá sống và cắt mỏm khớp, cắt mở rộng các khớp mỏm và cung sau mà không nối sẽ gây trượt. Fox và cộng sự [33] phát hiện tỉ lệ phát sinh 31% trượt đốt sống sau phẫu thuật giải ép phía sau mà không nối. Trượt đốt sống cũng có thể gặp ở bệnh nhân sau nối phần sau của cột sống. Các khuyết thường được nhận ra trong vòng 5 năm sau nối và trong phần lớn các trường hợp xảy ra ở ngay trên khối nối.

Hình 17. Trượt đốt sống do thủ thuật. (a) Phim X quang nghiêng cột sống thắt lưng chứng minh bệnh Paget đốt sống L4 và không bị trượt. (b) Phim X quang thẳng (trước-sau) để đánh giá hẹp ống sống do bệnh Paget cho thấy phẫu thuật giải ép rộng ở phía sau L4 và L5. (c) Phim X quang chụp nghiêng sau mổ cho thấy trượt đốt sống L4.

Kết luận

Trượt đốt sống có nhiều nguyên nhân. Ở các bệnh nhân trẻ, các loại trượt bẩm sinh và khuyết eo là phổ biến. Những nguyên nhân loại này có sự góp phần của kiểu gen và chấn thương lặp lại. Loại do thoái hóa phổ biến ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Mức độ trượt không liên quan một cách chính xác với triệu chứng ở những bệnh nhân trượt loại loạn sản và khuyết eo, nhưng có mối liên quan rõ rệt ở loại trượt do thoái hóa.

Bằng chứng chèn ép rễ thần kinh phát hiện khi chụp cộng hưởng từ có tương quan tốt với đau rễ thần kinh. Phần lớn các bệnh nhân đáp ứng với phương pháp điều trị bảo tồn đúng, chỉ một số ít các trường hợp cần phẫu thuật.

(Dịch từ S. Butt, A. Saifuddin. The imaging of lumbar spondylolisthesis. Clinical Radiology (2005) 60, 533–546)

Bài viết cùng danh mục